Tại sao bán hàng trên Facebook phải đóng thuế?

Theo http://tuoitre.vn
Bán hàng trên Facebook phải nộp thuế 21/02/2017
Xem:>>> Điều gì quan trọng nhất trong bán hàng?
Cơ quan quản lý khẳng định sẽ tính toán thu thuế không chỉ bán hàng trên Facebook mà cả trên các mạng xã hội như Zalo, Instagram, YouTube… Thực tế, có đơn vị doanh thu cả tỉ đồng nhưng không nộp thuế… Bán hàng trên Facebook phải nộp thuế Sau khi tìm hiểu giá và mẫu váy được rao bán trên facebook (Ảnh nhỏ), hai chị Quỳnh My và Bích Ngọc liên hệ qua điện thoại đặt mua bộ váy áo, lập tức có người mang hàng tới giao nhưng không có hóa đơn chứng từ khi nhận tiền (ảnh lớn) – Ảnh: QUANG ĐỊNH Có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội. Có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế. Theo nhiều chuyên gia, điều này là không công bằng với những người nộp thuế. Bởi hiện nay, nhiều người bán quán ăn, quần áo cũng phải đóng thuế. Doanh thu cả tỉ đồng, không đóng thuế Chị Mai Hoa, vốn kinh doanh quần áo giá rẻ cho sinh viên tại chợ Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), ban đầu chỉ nghĩ sử dụng trang Facebook cá nhân để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, chủ trang Facebook Hoa T. cho biết cuối năm vừa rồi đã… trả lại mặt bằng lớn ở phố, chỉ thuê ba nhân viên chuyên trả lời khách hàng và đóng gói, giao hàng. Lý do, chị này thẳng thắn cho biết nếu giữ cửa hàng, ngoài đóng thuế, thi thoảng còn bị quản lý thị trường hay công an khu vực “hỏi thăm”. Bán hàng qua mạng cơ bản tránh được tất. Đặc biệt, với việc mở rộng bán buôn trên Facebook, chị Hoa tiết lộ có tháng doanh thu lên tới 2-3 tỉ đồng. Doanh số kỷ lục là 300 triệu đồng/ngày và có bao nhiêu giữ hết, không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Tại TP.HCM, chị Ngọc Minh, từ một nhân viên văn phòng, sau khi sinh con đã nghỉ việc ở nhà và bắt đầu bán hàng qua Facebook. Không biết kinh doanh phải đóng những thuế gì, chị Minh nói thật nhờ không phát sinh chi phí nhiều nên giá của chị thường tốt hơn giá bên ngoài. Chị Ngọc Minh nói bán hàng trên Facebook lượng khách khá ổn định khi nhắm vào phân khúc dân văn phòng, phụ nữ làm chủ kinh tế. “Do giá bán niêm yết rõ ràng nên cũng không có cảnh trả giá” – chị Minh nói. Bán hàng trên Facebook phải nộp thuế Hai chị Kim Hoàng và Tú Trinh (ở quận Bình Tân, TP.HCM) trả tiền bộ quần áo đã đặt mua qua Facebook nhưng không có hóa đơn (ảnh chụp chiều 20-2) – Ảnh: QUANG ĐỊNH Trái quy định, khó kiểm soát Là người đề xuất làm việc với Facebook để quản lý nguồn thu thuế, ngày 20-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thành Kiên – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – nêu TP đang nỗ lực chống thất thu và thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những mảng cơ quan, ban ngành cần để ý. Khẳng định mảng này đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, ông Kiên nêu Sở Công thương TP.HCM sẵn sàng phối hợp với Cục Thuế TP.HCM để cùng bàn cách hỗ trợ, hợp tác để phòng chống thất thu thuế với mô hình kinh doanh mới này. Ông Kiên công nhận hiện mảng quản lý TMĐT do Sở Công thương TP phụ trách, tuy nhiên đơn vị chỉ có thể nắm rõ số lượng các website đang hoạt động, tên miền nhưng doanh thu bán hàng thì chưa quản lý được. “Với hơn 80.000 website đăng ký hoạt động, hơn một nửa tồn tại trên hai năm, việc nắm được tình hình kinh doanh của các trang này cũng như trên mạng xã hội sẽ giúp cơ quan quản lý thống kê đúng vai trò, đóng góp của mô hình này từ đó định hướng phát triển” – ông Kiên nói thêm. Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Hà, phó trưởng phòng pháp chế Cục TMĐT và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), khẳng định theo quy định của nghị định 52 về TMĐT, người tham gia bán hàng qua mạng phải đóng thuế. “Nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành và do Bộ Tài chính hướng dẫn. Bộ Công thương không có chức năng quản lý về thuế nên không có số liệu liên quan việc nộp thuế” – bà Hà cho biết. Đồng thời, theo chuyên gia của Bộ Công thương, quy định của Luật quản lý thuế năm 2006, bất kể doanh nghiệp hay cá nhân dù có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế thì có trách nhiệm phải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định. Yêu cầu phải đăng ký Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn quản trị tài chính quốc tế, khoa tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), công nhận việc quản lý, giám sát hoạt động bán hàng, thu thuế của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trên mạng gặp khó khăn. Bởi họ chủ yếu giao dịch bằng phương thức trao hàng – trả tiền, rất khó giám sát. Việc kê khai thuế với những trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ đều theo hình thức tự khai và tự tính, nên không ít cá nhân kê khai không đầy đủ để tránh nghĩa vụ thuế. Hiện việc quản lý khó nhưng trước mắt, ông Thịnh cho rằng các cơ quan thuế cần yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh với bán hàng qua mạng. Đồng thời, có thể kiểm soát một phần việc giao dịch trong tài khoản cá nhân và doanh nghiệp, trên cơ sở đó thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Về lâu dài, cần phải mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Từ kê khai, phối hợp với các cơ quan như quản lý thị trường kiểm tra sẽ quản lý được việc kinh doanh buôn bán của các hộ cá nhân, gia đình và doanh nghiệp. Không công bằng? Theo chuyên gia công nghệ của một tập đoàn công nghệ thông tin lớn tại Hà Nội, hiện không ít doanh nghiệp tung tiền quảng cáo lớn vào các facebooker, thậm chí trả hàng trăm triệu đồng/tháng. Thực tế, có quán ăn chỉ cần được facebooker nổi tiếng giới thiệu, khách nườm nượp. Nhưng facebooker không hề kê khai nộp thuế, trong khi anh là cán bộ, thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế khoảng 20%. Vị chuyên gia này cho rằng rất không công bằng khi có những trang bán hàng qua mạng xã hội doanh thu cả tỉ đồng/tháng, hơn nhiều DN nhỏ khác, nhưng cũng không phải nộp thuế. Trong khi doanh nghiệp nhỏ phải chịu rất nhiều quản lý.
Theo http://cafef.vn/
Ông Lê Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công thương) cho rằng nghĩa vụ thuế là của tất cả những người làm kinh doanh. Bán hàng qua Facebook chỉ là một kênh bán hàng và đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đó.
Đây là câu trả lời của đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) khi được hỏi rằng: “Dựa vào thông tin và hành lang pháp lý gì để thu thuế bán hàng trên Facebook?” trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) vừa diễn ra tại Hà Nội. Ông Lê Hữu Tuấn cho biết Luật Quản lý thuế 2006 đã quy định rõ tất cả các thương nhân (là tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh thu nhập (đến mức chịu thuế hay không) đều phải kê khai và tính thuế. Còn đối với lĩnh vực thương mại điện tử thì trong nghị định 52 về TMĐT (điều 37) cũng quy định rõ người bán phải tuân thủ pháp luật về kinh doanh và pháp luật thuế. Như vậy, nghĩa vụ thuế là của tất cả mọi người làm kinh doanh. Câu chuyện về việc bán hàng qua Facebook phải đóng thuế đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây khi lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM đã đưa ra đề xuất thu thuế hoạt động bán hàng qua Facebook. Vị này cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất mạnh với khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém nên cần có sự phối hợp của các ban ngành. Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế. Và đề nghị UBND Thành phố làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu. Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận nhất là trong bối cảnh các hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook nở rộ như hiện nay. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng trong thông tư 92 (2015) quy định thuế đối với các cá nhân hoạt động thương mại kinh doanh thì có doanh thu trên 100 triệu/năm thì mới phải nộp thuế chứ không phải như các nguồn tin trên mạng xã hội hiện nay là sẽ thu thuế tất cả mọi đối tượng. Ông Lễ Hữu Tuấn cũng cho biết việc đặt vấn đề thu thuế qua Facebook thì cách thức, lộ trình triển khai sẽ phụ thuộc vào Tổng cục thuế. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định: “Nghĩa vụ thuế là của tất cả những người làm kinh doanh. Bán hàng qua Facebook chỉ là một kênh bán hàng, đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đó”. Trả lời ICTnews trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho biết cũng do môi trường mạng khác với môi trường kinh doanh truyền thống nên nếu làm không cẩn thận thì chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được, do cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, có thể gây phức tạp cho công tác thu thuế. Và cơ quan quản lý cần đặt ra cơ chế thuận lợi thông thoáng và hỗ trợ kinh doanh phát triển mới thu được thuế đầy đủ. Cũng theo chia sẻ với vai trò đại diện của một cơ quan quản lý về TMĐT, ông Tuấn cho biết không chỉ với việc thu thuế mà hiện, trong các văn bản, quy định của Việt Nam chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể liên quan đến lĩnh vực cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong lĩnh vực TMĐT. Ông Tuấn cho biết khung pháp lý cho thương mại điện tử về cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên có nhiều vấn đề đang phát sinh ttrong quá trình hoạt động thương mại điện tử, chẳng hạn như các mô hình mới ra đời, vấn đề phát sinh trong tranh chấp thương mại điện tử hay vấn đề về khuyến mại trực tuyến. Theo dự kiến, đến 2018 theo đúng lộ trình thì cơ quan quản lý sẽ nâng cấp Nghị định về thương mại điện tử lên thành Luật và đưa vào Luật Thương mại sửa đổi. Đặc biệt, để tháo nút khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các khuyến mại trực tuyến thì Ban soạn thảo Nghị định 37 đã được thành lập và các vấn đề này sẽ sớm được giải quyết. Các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì hiện nay Cục TMĐT Bộ Công thương chắp bút ban hành 2 quyết định 689 về chương trình TMĐT quốc gia 2014 – 2020 và quyết định 1563 của TT 8/8/2016 về kế hoạch Tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020, đề ra các giải pháp, lộ trình để phát triển.
Theo Duy Vũ ICT News
Sưu tầm by wiki-hoidap.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *